18008000

Chuyển đổi số rút ngắn 70% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp tại Toà án

Monday, 17/06/2024, 16:06 (GMT + 7)

Các giải pháp chuyển đổi số do Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) – Thành viên Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội triển khai đã góp phần giúp Tòa án nhân dân tối cao tiết kiệm được 20% chi phí hoạt động và chi phí xã hội; tăng 30% năng suất lao động của Thẩm phán, công chức Tòa án.

Chiều ngày 16/6, Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành đã diễn ra tại trụ sở Toà án nhân dân tối cao.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số phát biểu lại hội nghị

Hội nghị có sự tham dự của Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Các đồng chí là thành viên Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương và Tòa án; Đại diện lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng các quý vị đại biểu tại 800 điểm cầu Toà án nhân dân địa phương.

Các vị đại biểu theo dõi Phiên toà trực tuyến tại hội nghị

Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2022 đã thông qua Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây chính là cột mốc, cũng là nền tảng để các bộ, ngành và toàn xã hội cùng tăng tốc đạt mục tiêu của chương trình, trong đó có ngành tư pháp. Theo đó, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử luôn được lãnh đạo Tòa án xác định là nhiệm vụ cấp thiết giúp bắt kịp với xu hướng phát triển của tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung Ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông

Là một đơn vị chủ lực của Tập Đoàn Viettel trong công cuộc chuyển đổi số, Viettel Solutions đã trở thành đơn vị đồng hành, tư vấn, cung cấp và triển khai các giải pháp công nghệ số cho Tòa Án từ năm 2021 với sự ra đời của Trung tâm Giám sát và Điều hành hoạt động Toà án nhân dân.

Trong 3 năm qua, bên cạnh Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Toà án, Viettel Solutions đã triển khai thành công nhiều hệ thống chuyển đổi số quan trọng cho Tòa án như Trung tâm dữ liệu Toà án; Hệ thống quản lý công việc và công tác chỉ đạo điều hành, đồng thời tư vấn và thử nghiệm những hệ thống giải pháp mới như: Trợ lý ảo tòa án;… góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện mô hình kiến trúc của Toà án điện tử.

Theo báo cáo hiệu quả của Tòa án nhân dân tối cao, trong 3 năm triển khai ứng dụng các hệ thống công nghệ vào hoạt động, ước tính Tòa án đã tiết kiệm được 20% chi phí hoạt động và chi phí xã hội; tăng 30% năng suất lao động của Thẩm phán, công chức Tòa án; rút ngắn 70% thời gian người dân thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án.

Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân đóng vai trò là bộ não số của Tòa án. Nền tảng này tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong toàn bộ ngành Tòa án với các phần mềm điều khiển trung tâm, đảm bảo vận hành thông suốt, công khai, minh bạch, dễ dàng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của gần 800 Tòa án nhân dân trên toàn quốc.

Trung tâm dữ liệu Tòa án nhân dân được đầu tư, trang bị các trang thiết bị số hiện đại đạt chuẩn Tier 2+ gồm: cơ sở hạ tầng nhà trạm; hệ thống mạng lõi; hệ thống phục vụ triển hệ thống tính toán; hệ thống cơ sở dữ liệu và lưu trữ dữ liệu; hệ thống phục vụ ứng dụng AI; hệ thống bảo đảm an toàn thông tin đạt cấp độ 3 để cung cấp đầy đủ tài nguyên cho việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số của Tòa án. Đặc biệt, hệ thống này được thiết kế theo hướng mở cho phép nâng cấp, mở rộng theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo cho công tác quy hoạch, mở rộng theo lộ trình chuyển đổi số, xây dựng Toà án điện tử.

Trong khi đó, hệ thống quản lý công việc và công tác chỉ đạo điều hành giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý hồ sơ công việc của cán bộ, công chức, viên chức Tòa án dễ dàng thực hiện bất kỳ thời điểm nào mà không nhất thiết phải có mặt tại cơ quan. Việc ứng dụng hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả xử lý công việc, không bị chậm trễ, tiết kiệm thời gian gửi, nhận văn bản từ vài ngày xuống còn vài phút và kinh phí in ấn, phát hành văn bản. Mọi quy trình nhận văn bản, chỉ đạo và  truyền thông tin cho cấp dưới chỉ bằng một cái nhấp chuột. Trong khi đó nếu thực hiện thủ công mất khoảng vài ngày.

Đặc biệt, phần mềm trợ lý ảo đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. “Trợ lý ảo” đang đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh Thẩm phán, giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân. Trước đây các thẩm phán phải mất rất nhiều thời gian để mã hóa các bản án thủ công. Nhưng giờ chỉ sau 1 cú kích chuột là đã có thể mã hóa 1 cách chính xác. Tính từ năm 2022 đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ gần 5.8 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000-15.000 lượt/ngày; mã hoá gần 500 bản án mỗi ngày.

MC AI dẫn chương trình hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình xác định: “Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm về thực hiện cải cách tư pháp trong Tòa án, là cơ hội để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý.” Và trên hành trình đó, Viettel Solutions cam kết đồng hành và mang đến hệ thống sản phẩm, giải pháp công nghệ số hiệu quả, toàn diện do người Việt Nam xây dựng và làm chủ với tinh thần “Công nghệ từ trái tim”.