0985538080

Nhà máy thông minh đầu tiên ứng mạng 5G dùng riêng của Việt Nam - cú hích cho Hải Phòng bứt phá về chuyển đổi số

Thứ năm, 12/10/2023 - 07:10 (GMT + 7)

Không phải là địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng chuyển đổi số, nhưng Hải Phòng thời gian vừa qua đã có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại, tiêu biểu là việc có nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công 5G Private Mobile Network.

Ngày 4/1/2023, tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã nhấn mạnh, Hải Phòng xác định chuyển đổi số là động lực phát triển.

Trong suốt thời gian từ đầu năm đến nay, Hải Phòng đã triển khai nhiều kế hoạch chuyển đổi số, hàng loạt mục tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số được thực thi và đã gặt hái được kết quả nhất định. Đặc biệt, với kinh tế số, Hải Phòng thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp bằng cách khuyến khích họ kiến tạo và sử dụng giải pháp số, hỗ trợ các doanh nghiệp trong phát triển, hợp tác về thương mại điện tử, kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp phân phối truyền thống, nhà sản xuất.

TQH03467 (1)
Đáng chú ý, trong số các địa phương, Hải Phòng là thành phố đầu tiên có nhà máy thông minh ứng dụng thành công Viettel 5G Private Mobile Network vào vận hành nhà máy của Tập đoàn Pegatron. Nhà máy này được tự động hoá dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G với ưu thế tốc độ cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và hỗ trợ số lượng kết nối lớn.

Trong giai đoạn thứ nhất hợp tác cùng Pegatron, Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) đơn vị đầu tiên cung cấp mạng 5G dùng riêng (PMN) cho 5 ứng dụng và dự kiến cuối năm 2023 cung cấp mạng 5G PMN cho hàng nghìn thiết bị ở nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử tại Hải Phòng. Trong đó có ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường cho cuộc gọi video trên Public Cloud (điện toán đám mây công cộng); ứng dụng cho dây chuyền sản xuất (Assembly Station); quản lý hoạt động kiểm thử sản phẩm; giám sát, trực tiếp quá trình sản xuất…

Viettel 5G PMN sẽ giúp Pegatron giảm chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận, đồng thời có thể kiểm soát tốt các quy trình nhờ thu thập thông tin, dữ liệu chi tiết theo thời gian thực, cải thiện môi trường làm việc, giảm tai nạn lao động…

5G PMN là một xu thế đang phát triển nhanh trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng dự kiến hàng năm là 51,2% từ năm 2023 đến 2030, đặc biệt hiệu quả đối với các doanh nghiệp có nhà máy, kho, bến cảng, sân bay… đòi hỏi khả năng kết nối an toàn, tin cậy mà WiFi chưa đáp ứng được.

Picture1
Ở Trung Quốc, công nghệ này đã được ứng dụng thành công vào nhiều lĩnh vực, ngoài sản xuất thông minh còn có khai khoáng thông minh, logistics thông minh, cảng thông minh và lưới điện thông minh…

Tiêu biểu trong ngành khai khoáng, CEO một mỏ khai thác than tại Trung Quốc có triển khai dịch vụ 5G PMN cho biết: “Chúng tôi từng có 13 công nhân làm việc dưới mặt đất trong một ca làm việc, nhưng giờ chỉ còn 7 người. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ chỉ cần năm người làm việc dưới lòng đất trên mặt than”. Và không chỉ giảm 50% số lao động trong môi trường nguy hiểm, 5G PMN còn giúp các công ty khai thác cải thiện lợi nhuận từ 7 đến 12% và lợi tức đầu tư từ 2% đến 3%.

Picture1-1Theo Viettel, mạng 5G PMN có thể được triển khai trong lĩnh vực sản xuất, giáo dục, khai thác mỏ và quốc phòng, doanh nghiệp này cũng hướng tới khách hàng trong các lĩnh vực như sản xuất, khai thác mỏ, logistics và cảng - những lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng ở Hải Phòng.

Trước khi Viettel thử nghiệm thành công công nghệ 5G PMN tại nhà máy của Pegatron, vào năm 2022, cảng Tân Vũ và Đình Vũ cũng đã triển khai công nghệ 5G cho các hoạt động ngành cảng biển để tối ưu hóa hoạt động.

Ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đánh giá, đối với Hải Phòng dịch vụ 5G cho công nghiệp là dịch vụ có tầm quan trọng sống còn. Hạ tầng số là một trong những điểm cần phải được đầu tư trước để tạo ra những lợi thế thu hút được đầu tư.

TQH03476-2


Mạng 5G dùng riêng cho các khu công nghiệp sẽ giúp tối ưu hóa dây chuyền hoạt động, ứng dụng các công nghệ cao như Trí tuệ nhân tạo (AI), điều khiển tự động hay thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường. Với hệ thống khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không, các trung tâm logistics đa dạng… Hải Phòng này có nhiều tiềm năng để ứng dụng 5G PMN, kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành kinh tế.

Mô hình 5G PMN dự kiến sẽ được chính quyền Hải Phòng khuyến khích mở rộng sang nhiều nhà máy, khu công nghiệp, bến cảng để tối ưu hóa hoạt động và nâng cao hiệu quả.

“Các doanh nghiệp qua thử nghiệm cũng tạo ra các bài toán chung để áp dụng mô hình này cho doanh nghiệp khác, nhà máy khác. Tôi hy vọng sẽ nhân rộng nhiều nhà máy thông minh ở Hải Phòng để thu hút thêm doanh nghiệp FDI đầu tư vào sản xuất thông minh” – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nói.

Cũng theo ông Hoàng Minh Cường, nhà máy thông minh đầu tiên ứng mạng riêng 5G của Việt Nam tại TP Hải Phòng đã khẳng định nỗ lực không ngừng của Viettel để thực hiện cam kết đồng hành cùng Hải Phòng trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, thúc đẩy hiện đại hóa thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tin tưởng rằng thành công của dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác với công nghệ 5G, mở ra tương lai tốt đẹp cho nền kinh tế Hải Phòng, đóng góp vào quá trình xây dựng Hải Phòng trở thành hình mẫu của các địa phương trong công cuộc chuyển đổi số trên cả nước. Điều này sẽ góp phần giúp Hải Phòng sớm hoàn thành mục tiêu “xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành TP đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” theo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.