» Viettel đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số của Đại học Sư phạm Hà Nội
» Chuyển đổi số công tác giáo dục thường xuyên, kết nối hơn 850.000 giáo viên
Chiều ngày 05/3/2021, tại trụ sở Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) sẽ diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) và Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions). Sự kiện đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của trường ĐHSPHN, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy, học, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, Viettel Solutions và ĐHSPHN sẽ cùng hợp tác triển khai 4 nhóm ứng dụng, giải pháp, bao gồm: Ứng dụng phần mềm trong quản lý và giảng dạy; Giải pháp cho chương trình bồi dưỡng thường xuyên; Triển khai hệ thống học tập điện tử (e-learning) và Triển khai kho học liệu số. Trong đó, nổi bật là việc triển khai giải pháp hệ thống LMS (Learning Management System) và hạ tầng kết nối để phục vụ cho công tác bồi dưỡng thường xuyên qua mạng cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT mỗi giáo viên trung học phổ thông (THPT) được bồi dưỡng kiến thức thường xuyên khoảng 120 tiết học. Hàng năm, cả nước có khoảng 850.000 giáo viên cần được bồi dưỡng thường xuyên; tương đương với 100 triệu tiết học cần được tổ chức. Nếu chỉ triển khai mô hình tập huấn trực tiếp; quá trình bồi dưỡng thường xuyên thường bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, đồng thời tốn kém thời gian, chi phí và nhân lực.
Tuy nhiên, khi áp dụng hệ thống LMS, thay vì phải di chuyển hàng trăm km đến từng địa phương để tập huấn trực tiếp thì mỗi giáo viên cốt cán có thể tổ chức bồi dưỡng thường xuyên và theo dõi tiến trình học tập của hàng nghìn giáo viên cùng một lúc. Toàn bộ học liệu đào tạo giáo viên đều được số hóa trên cùng một nền tảng và được các kĩ sư công nghệ thông tin của Viettel vận hành, đảm bảo tính an toàn và bảo mật tuyệt đối. Đặc biệt, với hạ tầng do Viettel làm chủ, toàn bộ các chương trình bồi dưỡng thường xuyên đều được vận hành và triển khai thông suốt với số lượng lớn học viên truy cập đồng thời.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng giám đốc Viettel Solutions cho biết:“Với sứ mệnh tiên phong kiến tạo xã hội số, Viettel cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong quá trình chuyển đổi số, chia sẻ kỹ năng quản trị số. Đồng thời chúng tôi sẽ thúc đẩy ứng dụng CNTT trong hoạt động đào tạo, đặc biệt là công tác bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam.”
Hệ thống LMS được xem như một mảnh ghép của Hệ sinh thái chuyển đổi số ngành giáo dục của Viettel, đáp ứng yêu cầu liên thông, đồng bộ với cơ sở dữ liệu chung toàn ngành giáo dục và với các nền tảng khác trong cùng hệ sinh thái. Ứng dụng LMS không chỉ giúp nhà trường có công cụ để quản lý học liệu trực tuyến mà còn là công cụ hữu ích để các giáo viên trên toàn quốc chủ động nâng cao trình độ.
GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số trong quản lý hành chính và đào tạo của Nhà trường. Qua đó, Giáo sư kì vọng vào sự hợp tác toàn diện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giữa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Viettel Solutions, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Trong thời gian qua, Viettel cũng đã triển khai xây dựng Hệ sinh thái các giải pháp thông minh cho ngành giáo dục. Ứng dụng công nghệ thông tin tới hơn 25.000 trường trên cả nước để tối ưu công tác quản lý trường học; Phối hợp triển khai tập huấn cho gần 1 triệu giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới; Hỗ trợ 26.000 trường dạy và học trực tuyến trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2020. Đồng thời các giải pháp giáo dục của Viettel cũng nhận được những giải thưởng quốc tế uy tín như: Giải Vàng ASEAN ICT Awards 2019, IT World Awards 2020.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trường đại học trọng điểm quốc gia và khu vực, đào tạo các chuyên gia xuất sắc có đóng góp đặc biệt quan trọng cho hệ thống giáo dục và xã hội thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo đại học và sau đại học có chất lượng cao.